Giải ngân đạt 0,5%
Theo thông báo của Bộ Y tế về danh mục và mức bố trí vốn kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 thì vốn đầu tư bệnh viện tuyến cuối là 3.200 tỷ đồng.
Về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đến ngày 30/8/2017, Bộ Y tế cho biết, vốn đầu tư bệnh viện tuyến cuối mới giải ngân được 17,01/3.200 tỷ đồng, đạt 0,5%. Đây có thể coi là tỷ lệ rất thấp và đáng quan ngại. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017, ngay từ tháng 4/2017, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành và hoàn chỉnh các thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán cho nhà thầu theo quy định để đảm bảo hoàn thành kế hoạch.
Chồng chất khó khăn, nhà thầu giãn tiến độ
Bộ Y tế đã phân tích cụ thể về nguyên nhân thực hiện cũng như giải ngân thấp đáng quan ngại của các dự án đầu tư bệnh viện tuyến cuối. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tiến độ giải ngân là do việc triển khai giải ngân vốn chậm tại Dự án Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Dự án Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Cụ thể, theo Bộ Y tế, đây là các dự án lớn, phức tạp, trong quá trình triển khai, đơn vị sử dụng có yêu cầu điều chỉnh bổ sung nội dung công việc để đáp ứng yêu cầu chuyên môn dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế. Trong khi đó, các thủ tục điều chỉnh phải thẩm tra, thẩm định, phê duyệt như thiết kế mới, dẫn đến kéo dài thời gian, chậm trễ công việc thi công.
Tại 2 dự án trên, không thực hiện được thanh toán khối lượng hoàn thành do thủ tục vừa triển khai thiết kế, vừa thi công nên nhiều công việc đã hoàn thành nhưng chưa có dự toán được phê duyệt dẫn đến tình trạng không thanh toán được khối lượng hoàn thành đã được nghiệm thu. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn bộ khối lượng xây lắp, thiết bị không thể giải ngân do chưa phê duyệt xong dự toán thiết kế. Đến tháng 6/2017, Bộ Tài chính mới cho phép tạm thanh toán đến 50% giá trị hoàn thành.
Việc thực hiện chủ trương rà soát điều chỉnh tiết giảm tổng mức đầu tư cho phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn, các dự án đều phải điều chỉnh lại thiết kế cũng là nguyên nhân dẫn đến các dự án đầu tư bệnh viện tuyến cuối có tiến độ thực hiện và giải ngân chậm. Theo Bộ Y tế, “các thủ tục này mất rất nhiều thời gian và phức tạp”. Mặt khác, do đây là các dự án có các gói thầu triển khai theo hình thức tổng thầu nên phụ thuộc rất nhiều vào thời gian các tổng thầu triển khai thủ tục rà soát điều chỉnh thiết kế để giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, các tổng thầu cũng phải giãn, hoãn tiến độ do chưa hoàn chỉnh thủ tục. Những nguyên nhân này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công công trình.
“Các dự án nêu trên dự kiến phải hoàn thành năm 2016, tuy nhiên do các khó khăn khách quan và chủ quan nên tiến độ thi công xây lắp chậm trễ, dẫn đến việc mua sắm trang thiết bị cũng bị trì hoãn và không giải ngân được số vốn dự trù để hoàn thành dự án theo tiến độ được duyệt, kéo theo số vốn được giao phải kéo dài sang năm sau năm kế hoạch”, Bộ Y tế thừa nhận.
Nguồn tin: baodauthau.vn
Ý kiến bạn đọc