Dư luận những ngày qua hết sức quan tâm câu chuyện Công an Hà Nội tiếp tục đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực nội đô nhằm loại bỏ xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Làm gì cũng phải hướng đến sự thuận tiện cho người dân
Trước đây, đã có ý tưởng di dời Ga Hà Nội sang bên kia sông Hồng hoặc về Thường Tín. Thông tin nóng hơn, vừa qua tại cuộc họp bàn về an toàn giao thông Thủ đô đề xuất di dời Ga Hà Nội lại được đưa ra một lần nữa.
Cụ thể, tại Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội nửa đầu năm 2017, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc công an Hà Nội cho rằng, hiện Hà Nội có hơn 10km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông.
Đề xuất này sau đó đã bị phản ứng không chỉ với những hành khách thường xuyên đi tàu mà ngay cả ngành đường sắt, các chuyên gia giao thông, quy hoạch…bởi nếu di dời ga Hà Nội sẽ phá vỡ quy hoạch cũng như chiến lược phát triển của giao thông vận tải nói chung và ngành đường sắt nói riêng.
Ga Hà Nội ngày nay (thời pháp thuộc và trước đây được gọi là Ga Hàng Cỏ) là công trình hơn 100 tuổi, một trong những biểu tượng gắn bó với người Thủ đô. Mỗi ngày ở Ga Hà Nội đây có hàng trăm chuyến tàu đi và đến của các tuyến Hà Nội – TP.HCM (đường sắt Thống Nhất), Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn…
Với hành khách, ga Hà Nội là nhà ga trung tâm nhất có thể kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho họ trong việc đi lại. Chính vì vậy, trước đề xuất di dời nhà ga này, nhiều người đã phản ứng bởi chắc chắn sẽ gây khó khăn cho họ.
Ông Nguyễn Linh, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng “Ga Hà Nội là biểu tượng hơn 100 năm của Hà Nội, người dân Hà Nội và cả nước vốn đã quá quen thuộc rồi. Nên những quyết định đưa ra cũng phải được cân nhắc và bàn thảo kỹ”.
Theo ông Linh, dù với lý do gì thì cũng phải đạt được mục đích là “tạo sự thuận tiện để cho dân chúng đi lại chứ chỉ mục đích dời không thì không có ý nghĩa gì hết”.
Còn ông Nguyễn Huy Quang, ở TP. Vinh, Nghệ An cho rằng: “Ga ở Trung tâm thì thuận lợi cho người dân đi lại, giao dịch, làm việc, đi các ngả, về các nơi của địa bàn thành phố Thủ đô cũng như các tỉnh thành chứ nếu ở xa thì không thuận lợi, cũng có thể giảm áp lực giao thông cho thành phố nhưng người dân thì không tiện bằng ở trong này”.
Không phải muốn là di dời ngay được…
Theo lãnh đạo ngành đường sắt, trong phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường sắt cũng như phê duyệt quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đều xác định ga Hà Nội là ga trung tâm, đầu mối trung chuyển hành khách cho tuyến đường sắt nội đô và đường sắt liên tỉnh.
Các bản quy hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng, xem xét nhiều yếu tố và lấy ý kiến của nhiều cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước. Chính vì vậy, nếu di dời ga Hà Nội sẽ phá vỡ các quy hoạch này.
Ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt trên toàn thế giới đều thể hiện tính an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân. Một đoàn tàu có thể chuyên chở được từ 700 - 1.000 hành khách, thay vì vận chuyển như hiện nay thì vài trăm phương tiện khác đi vào sẽ vẫn gây áp lực lên giao thông nội đô.
“Trong thực tế thì nhiều quốc gia đều theo hướng ga Trung tâm là ga đường sắt quốc gia và được kết nối với các tuyến đường sắt nội đô. Chắc chấn là chuyển gat rung tâm ra khỏi nội đô thỉ vần đề kết nối đã thực hiện theo quy hoạch sẽ phải thay đổi, do đó nó không đúng với quy hoạch và chiến lược đã được quy định”, ông Hoạch nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, không thể nói di dời Ga Hà Nội là di dời ngay được. Ga Hà Nội đã có trong quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội và quy hoạch giao thông quốc gia. Ga Hà Nội đóng vai trò rất lớn trong hệ thống đường sắt trên cả nước.
Các nước phát triển như Nhật, Pháp đều có hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc nằm trong nội đô tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Một số nước quy hoạch đường sắt nằm ngoài vành đai và kết nối vào nội thành.
“Năm 2016, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030, xác định Ga Hà Nội là ga trung tâm, đầu mối trung chuyển hành khách cho tuyến đường sắt nội đô và đường sắt liên tỉnh. Quy hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng, xem xét nhiều yếu tố và lấy ý kiến của nhiều cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước. Nếu Công an Hà Nội có văn bản đề xuất di dời Ga Hà Nội thì phải trình lên UBND và HĐND TP. Hà Nội cân nhắc. UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi lên bộ GTVT, Bộ sẽ họp xem xét cụ thể theo thẩm quyền, lấy các ý kiến của các chuyên gia, bộ - ngành để có phương án lâu dài”, Thứ trưởng Đông cho biết.
Bộ GTVT cho rằng, giải pháp để giảm xung đột là giảm các điểm giao cắt, làm thêm các tuyến đường sắt đô thị trên cao. Hiện nay, các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội như tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội đã được xác định hướng tuyến đều đi qua ga Hà Nội, và đều được thiết kế đi ngầm hoặc đi trên cao để giảm xung đột giao thông.
Riêng tuyến đường sắt liên tỉnh hơn 10 km đi xuyên tâm với nhiều đường ngang giao cắt sẽ được đầu tư thiết bị cảnh báo hiện đại nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc nội đô./.
Nguồn tin: cafef.vn
Ý kiến bạn đọc