Xây dựng thiết chế văn hóa, đời sống văn hóa tại các cụm, tuyến dân cư vùng vượt lũ: Những vấn đề cấp bách cần đặt ra hiện nay.

Thứ tư - 27/09/2017 05:19 128 0
Ngày 14-7-2006, Chính phủ đã ký Quyết định số 167/2006/QĐ-TTg phê duyệt đề án ''Phát triển hoạt động văn hóa - thông tin vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020'' Theo đó, ngày 25-8-2006, Bộ VH-TT đã chủ trì tổ chức Hội nghị, triển khai Quyết định số 167/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Cần Thơ. Đây là sự quyết định đúng đắn, mang tính chiến lược quốc gia về phát triển hoạt động VH-TT vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Long An.
tuyến dân cư vùng vượt lũ
tuyến dân cư vùng vượt lũ

Trong đề án được phê duyệt có rất nhiều nội dung, nhưng có một nội dung mà ai đã từng trăn trở với việc phát triển đời sống văn hóa vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười đều quan tâm, chú ý đó là ''Đầu tư xây dựng một số thiết chế văn hóa cho mô hình mới là các cụm, tuyến dân cư (C,TDC) vùng vượt lũ; các xã, đồn biên phòng biên giới, hải đảo, vùng biển''.

Như chúng ta đều biết, Long An có 6 huyện nằm trong vùng trọng điểm lũ đó là: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Đức Huệ với tổng diện tích tự nhiên 2.709,483 km2 (quá nửa diện tích tỉnh), có 360.356 nhân khẩu đang sinh sống. Theo chương trình dân sinh vùng lũ của tỉnh, tính đến nay đã xây dựng được 178 C,TDC vượt lũ và đến năm 2008 sẽ có tổng cộng 184 C,TDC vượt lũ, giải quyết định cư cho gần 36 ngàn hộ vào ở ổn định.

Từ việc ''chống lũ'' đến ''ngăn lũ'' và hôm nay là ''sống chung với lũ'', qua nhiều kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Long An đã tìm ra được quy luật thiên nhiên của vùng lũ Đồng Tháp Mười và đề ra chương trình ''Dân sinh vùng lũ'', một trong bốn chương trình mục tiêu của tỉnh.

Để phục vụ chương trình ''Dân sinh vùng lũ'', ngành VH-TT tỉnh Long An trong những năm qua đã có những cố gắng đáng kể tìm ra được những mô hình thiết thực như: ''Thuyền văn hóa'' của 3 huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa; ''Túi sách lưu động'' của thư viện huyện Mộc Hóa; ''Chiếu phim lưu động'' của Cty Phát hành phim và Chiếu bóng; và xuất diễn không doanh thu của Đoàn nghệ thuật cải lương Long An” đã đáp ứng được phần nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân vùng ngập lũ. Tuy nhiên, nhu cầu văn hóa của nhân dân không chỉ có hưởng thụ mà còn có nhu cầu sáng tạo nữa. Do đó, để đáp ứng những đòi hỏi trên, ngày 31-10-2005, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010 (Quyết định số 271/2005/QĐ-TTg).

Tiếp thu các văn bản pháp lý nêu trên, ngành VH-TT tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức đợt khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm đề xuất việc xây dựng mô hình Trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn, gọi chung là cấp xã giai đoạn 2006 - 2010. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các xã vùng Đồng Tháp Mười.

Đi đầu trong việc phát triển, xây dựng mô hình Trung tâm văn hóa cấp xã hiện nay, chỉ duy nhất có xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng đã quy hoạch 1,5 ha đất trên khu dân cư vượt lũ thuộc ấp Gò Châu Mai và đầu tư 700 triệu đồng để xây dựng Trung tâm văn hóa xã với phương châm ''xã lo đất, mặt bằng, huyện lo vốn xây dựng công trình'' và đang kiến nghị tỉnh lo thiết bị bên trong Nhà văn hóa xã…

Ngày 21-7-2006, Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã Khánh Hưng đã long trọng tổ chức lễ phát động toàn dân quyết tâm xây dựng xã Khánh Hưng thành xã văn hóa vào năm 2008.

Có thể nói đây là một mô hình mới, đầy sáng tạo từ lòng quyết tâm của lãnh đạo 2 cấp huyện Vĩnh Hưng và xã Khánh Hưng, đang rất cần có sự quan tâm, ủng hộ của sở, ban ngành cấp tỉnh, nhất là ngành VH-TT, bởi vì đó là một mô hình thực tiễn, sinh động, sáng tạo, phù hợp với Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh, Quyết định 271/2005/QĐ-TTg ngày 31-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở và gần đây nhất là Quyết định 167/2006/QĐ-TTg của Chính phủ về phát triển hoạt động VH-TT vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự thảo ''Đề án xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 - 2010 và đến 2020'' của ngành VH-TT đã được trình UBND tỉnh để các ngành chức năng thẩm định và đưa ra kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý cụ thể hơn cho một định hướng phát triển sự nghiệp VH-TT tỉnh nhà nói chung và cho việc xây dựng hệ thống thiết chế VH-TT trên C,TDC vượt lũ nói riêng. Nếu chịu khó học tập kinh nghiệm và có khả năng chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện được như xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng thì có nhiều xã trong tỉnh đủ khả năng, điều kiện thực hiện được như: xã Đức Lập Hạ (huyện Đức Hòa), Mỹ Yên (huyện Bến Lức),  Phước Lý (huyện Cần Giuộc), Nhị Thành (huyện Thủ Thừa), Hậu Thạnh Đông (huyện Tân Thạnh), Mỹ Lệ (huyện Cần Đước), Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành), Bình Trinh Đông (huyện Tân Trụ), An Vĩnh Ngãi (thị xã Tân An)… Để tiếp thêm sức mạnh làm được điều đó, Sở VH-TT nên tổ chức hội nghị, hội thảo nho nhỏ kiểu như nông dân tổ chức “Hội thảo đầu bờ” để nhân rộng mô hình này, không chỉ riêng cho vùng Đồng Tháp Mười mà cho cả 14 huyện, thị xã.

Sự kiện ra đời Quyết định 167/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược phát triển hoạt động văn hóa-thông tin vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Long An.

Thực tiễn mô hình xã văn hóa Khánh Hưng, Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã được xây dựng trên C,TDC vượt lũ của vùng Đồng Tháp Mười, cách trung tâm tỉnh lỵ đúng 100 km. Như vậy, chủ trương có rồi, mô hình có rồi, việc còn lại là nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo, triển khai, nhân rộng mô hình đó như thế nào. Trách nhiệm tham mưu chính là ngành VH-TT, trong đó việc lập kế hoạch, đề án, dự án đầu tư cho kế hoạch năm 2007 cần phải kịp thời xem xét và điều chỉnh, bởi vì thời điểm lập kế hoạch chưa có Quyết định 167/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương phát triển hoạt động VH-TT vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006-2010.

Nhiệm vụ phát triển sự nghiệp VH-TT là của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhưng vai trò tham mưu chính là ngành VH-TT. Nên chăng, Sở VH-TT phải có một chương trình hành động cụ thể, những dự án cụ thể cho chiến lược phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin vùng Đồng Tháp Mười mà cụ thể là trên các C,TDC vượt lũ, để có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, ưu tiên phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ kháng chiến… kéo dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn như nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đã chỉ ra

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây